CẨM NANG DU LỊCH

Th306

Hành lý quá cân luôn là ác mộng đối với các hành khách sử dụng dịch vụ hàng không. Phí phạt dành cho những người không tuân thủ quy định về trọng lượng và kích thước của hành lý xách tay thường rất cao, tại Việt Nam dao động từ 500.000 đồng đến cả triệu đồng cho mỗi kg bị thừa.

Theo quy định của đa số các hãng trên thế giới, giới hạn kích thước kiện đồ mang lên máy bay là 20 x 40 x 55 cm, có thể dao động vài cm, trọng lượng trong khoảng 5-10 kg, phổ biến là 7 kg. Tuy nhiên, cũng có một số hãng khá thoải mái, cho khách mang lên phi cơ hành lý lên tới 20 kg, tùy theo hạng vé.

Đảm bảo trọng lượng

Theo các hãng hàng không, việc quy định trọng lượng và kích thước kiện đồ nhằm bảo đảm an toàn bay theo kích thước và tải chịu lực của khoang hành lý xách tay (tùy thuộc vào loại phi cơ). Là một trong số các loại máy bay dân dụng đang được sản xuất trên thế giới, Boeing 777 có thể chứa tối thiểu 300 chỗ ngồi. Loại hiện đại bậc nhất là Airbus A380 với hơn 800 chỗ ngồi.

Các nhà khoa học đã tính toán trọng lượng của khoang hành khách (phía trên), khoang hàng (phía dưới, dùng để hành lý ký gửi), cân đối số hành khách, cùng các thông số về cánh máy bay, động cơ… Con số được lựa chọn nằm trong giới hạn đảm bảo cho máy bay cất và hạ cánh ổn định. Với những hãng cho mang nhiều kg xách tay, số lượng khách đã được tính toán phù hợp.

Tự vận chuyển dễ dàng

Mức cân nặng 7-8 kg cũng phù hợp cho việc vận chuyển của một người có hình thể bình thường. Bạn có thể nâng lên, hạ xuống khoang đồ, kéo hành lý đi một cách dễ dàng. Một số nghiên cứu cho thấy kích thước và trọng lượng của kiện đồ quyết định thời gian khách mang chúng lên phi cơ. Nếu vali, túi xách quá lớn hoặc quá khổ, việc bạn tự vận chuyển sẽ khó khăn, đôi khi khiến những người xung quanh phải chờ đợi, giờ cất cánh sẽ bị ảnh hưởng.

Một số hãng ở Trung Quốc chỉ cho phép mỗi người mang theo 5 kg. Một phần lý do là các sân bay ở nước này luôn ở tình trạng quá tải. Khách mang ít hành lý thì việc di chuyển nhanh hơn, quá trình vận hành của cả sân bay sẽ tiết kiệm thời gian hơn.

Kích thước 20 x 40 x 55 cm cũng đã được tính toán phù hợp với khoang hành lý phía trên, đảm bảo cho chúng có thể đóng khít, đồ không bị rơi ra, gây nguy hiểm khi máy bay đang di chuyển.

Tiết kiệm nhiên liệu

Ngoài yếu tố khoa học, các hãng hàng không dân dụng trước khi đưa ra quy định vềhành lý xách tay còn cân nhắc tới việc đảm bảo hiệu quả dùng nhiên liệu. Hạn chế khối lượng kiện đồ của hành khách là một trong những biện pháp hữu hiệu. Nếu máy bay chở quá nhiều hành lý có thể dẫn đến việc tốn nhiều nhiên liệu hơn, chi phí tăng lên. Từ đó, giá vé cũng phải thay đổi và không còn hấp dẫn với hành khách.

Để không bị phạt tiền vì hành lý quá cân, bạn cần tính toán kỹ để tránh gây ra phiền toái, rắc rối mất thời gian. Không chỉ có kích thước và trọng lượng, hành lý xách tay cũng có nhiều quy định nghiêm ngặt như không chứa kim loại, vật liệu cháy nổ, chất lỏng… Ở mỗi sân bay đều có các khay đo hành lý miễn phí. Trước khi làm thủ tục, bạn hãy cân và đo thử xem kiện đồ của mình đã phù hợp hay chưa để tránh mất tiền oan.

Nguồn: Ngôi sao

Th305

Việc tìm hiểu kỹ về thời tiết, đồ ăn, cũng như văn hóa hay những quy tắc là điều nên làm khi bạn muốn đến một nơi hoàn toàn mới để không lâm vào những tình huống khó xử. Và nếu bạn có ý định du lịch đến nước Anh trong thời gian tới thì hãy để ý đến những phép tắc lịch sự sau nhé.

1. Việc đúng giờ rất quan trọng

Người Anh rất coi trọng việc đúng giờ. Nếu bạn được mời đến chơi nhà ai đó, thì tốt nhất là nên tới đúng giờ. Nhưng nếu không thể thì bạn chỉ nên chậm tối đa 15 phút và cần báo trước.

2. Bạn có thể hoặc không phải tháo giày

Hãy hỏi ý kiến chủ nhà về việc có cần thiết tháo giày khi thăm nhà họ không bởi một số người Anh muốn khách để giày ở cửa, một số thì không ngại việc khách đi cả giày vào nhà.

3. Tránh đặt câu hỏi đời tư

Người Anh rất thích tranh luận nhưng bạn nên tránh đặt câu hỏi cá nhân liên quan đến tiền lương, tôn giáo và chính trị nếu bạn chỉ mới lần đầu tiên được mời đến nhà của ai đó.

4. Một số quy tắc khi ăn uống

Đến Anh, nếu bạn là vị khách mới ghé thăm lần đầu, hãy đợi cho đến khi chủ nhà mời ngồi vào bàn ăn. Lưu ý không chống khuỷu tay lên mặt bàn. Đặt dao và dĩa vào góc đồng hồ 6h30 sau khi ăn xong.

5. Trả tiền rượu cho người khác

Nếu ai đó mời bạn đồ uống, hãy lịch sự mời lại họ. Sẽ là không bình thường khi bạn chỉ mua đồ uống cho riêng mình trong quán bar.

6. Đừng thô lỗ với nhân viên phục vụ

Đừng vẫy tay hoặc gọi to nhân viên phục vụ nhà hàng bởi đây là hành động rất thô lỗ. Không có quy định bắt buộc đối với tiền boa (tiền tip), nhưng sẽ là bất lịch sự nếu như không tip. Thông thường là khoảng 10-12,5% hóa đơn. Nhưng người Anh thường không tip cho nhân viên phục vụ quán bar.

7. Hãy để mọi người xuống tàu trước khi bạn lên tàu

Nếu đến nước Anh, hãy để mọi người xuống hết rồi mới lên tàu hoặc xe buýt nếu không muốn người xung quanh khó chịu vì bạn.

8. Hãy xếp hàng nghiêm chỉnh

Không phải ai cũng muốn xếp hàng nhưng đó thể hiện sự tôn trọng người khác. Đừng thô lỗ chen ngang bởi phía sau cũng có rất nhiều người đã đợi rất lâu.

Nguồn: Ngôi sao

Th212

Tỉnh An Giang không chỉ có núi Cấm, các hoạt động du lịch và ẩm thực ở đây thực sự rất thú vị, đáng để chúng ta khám phá.

1. Lạc lối ở chợ Châu Đốc

Ẩm thực của vùng biên viễn Châu Đốc thực sự đa dạng, trong đó, khu chợ Châu Đốc tập trung khá nhiều món ăn, đặc sản hấp dẫn, du khách ghé qua là đủ để nếm được nhiều món ngon cũng như mua quà mang về. Thậm chí nếu nói ghé vào chợ Châu Đốc có thể khiến người ta “lạc lối” cũng không quá lời.

Ở chợ Châu Đốc, bạn có thể khám phá ra hàng loạt món ăn vặt nổi tiếng như cà na, các loại me ngào. Các loại quả này được bày vào khay lớn, đầy ngồn ngộn, sẵn sàng cho khách ăn thử rồi mới quyết định có nên mua hay không.

Châu Đốc được xem là thủ phủ của thốt nốt và các chế phẩm từ thốt nốt. Thế nên đến chợ, không khó để gặp những quầy bán thốt nốt tươi, nước thốt nốt và quả thốt nốt sơ chế. Ngoài ra, các món bánh thốt nốt màu sắc ở chợ cũng đủ khiến bạn “hoa cả mắt” và muốn nếm thử cho hết vì sự màu sắc đầy ngon mắt của chúng.

Đến Châu Đốc, có những đặc sản nhất định phải thử đó là bún cá và bún mắm. Tô bún ở đây không nhiều, nước dùng đậm đà và được ăn kèm với rất nhiều rau sống đặc trưng của miền Tây như kèo nèo, rau đắng, bông điên điển… Ngồi ở quán ăn nhỏ trong chợ, thưởng thức những tô bún ngon lành, nghe giọng miền Tây ngọt lịm, tự nhiên thành ra thứ gia vị đặc biệt, khiến người ta nhung nhớ khó quên.

2. Nếm thử chè An Giang

Nói đến chè bưởi, ăn cũng nhắc đến An Giang. Dù rằng, chè bưởi ở Long Xuyên có phần có tiếng hơn nhưng chè bưởi An Giang chắc chắn không hề xoàng. Vì thế nếu đến Châu Đốc, nhân một buổi chiều đi chơi về mệt, chần chừ gì mà không ghé hàng chè, gọi ly/chén chè bưởi mà thưởng thức.

Chè bưởi An Giang nhiều cùi, cốt dừa cho nhiều, ngậy và thơm, ăn xong lưu luyến mãi. Ngoài ra nếu bạn muốn mua mang về, gần như các hàng chè đều có dịch vụ bán theo kí, đóng thùng xốp để mang về thành phố.

3. Thăm rừng tràm Trà Sư

An Giang có nhiều điểm đến có tiếng, nhưng nếu cần chọn một điểm du lịch mang tính biểu tượng, thì nhất định phải nhắc đến rừng tràm Trà Sư. Rộng mênh mang, khu rừng ngập nước hiện tại vẫn được bảo tồn rất tốt và là nơi sinh sống của nhiều loài động vật và thực vật thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam.

Để vào thăm rừng tràm, bạn sẽ phải mua vé và sẽ được chở bằng xuồng máy, thuyền chuyên dụng đi một vòng tham quan cảnh sắc rừng. Trong quá trình tham quan, bạn sẽ được được gặp nhiều loài động vật sinh sống ở đây. Ngoài ra tại từng tràm còn có tháp quan sát cũng như cho thuê kính viễn vọng để tiện quan sát khu vực núi rừng vùng biên giới.

4. Đi thử phà

Phà Châu Giang là phương tiện để kết nối giữa Châu Đốc và Tân Châu. Lộ trình ngắn chỉ mất vài phút đi lại nên đi phà là trải nghiệm rất đáng thử cho những ai muốn tận hưởng cảm giác vùng sông nước. Đi qua phà, bạn còn có thể ghé thăm làng chăm Châu Giang nổi bật với các thánh đường Hồi giáo, khu dệt vài thổ cẩm và thưởng thức đặc sản tung lò mò (lạp xưởng bò).

5. Tới làng Chăm nếm đặc sản

Đã đến làng Chăm bạn tất nhiên nên thử các đặc sản của người Chăm như cơm bò, cháo bò. Thịt bò của người Chăm vốn nổi tiếng ngon và chất lượng sẽ được nướng trên than củi cho chín nhưng làm sao để miếng thịt không được khô. Ăn kèm sẽ là cơm, đồ chua, nước mắm pha. Một phần cơm bò, cháo bò có giá trung bình từ 15 đến 20 ngàn nhưng rất chất lượng và đáng thử. Tuy nhiên nếu muốn ăn cơm bò, bạn nên đi thật sớm vì thường đến khoảng 8 giờ là đã hết cơm.

Ngoài ra đến làng Chăm, bạn còn được khám phá thêm nhiều về những nét văn hoá độc đáo, sinh hoạt thường ngày của người dân. Nếu muốn mua đặc sản, bạn có thể hỏi mua tung lò mò về làm quà.

 

Nguồn: Afamily

Th124

Lớn tiếng ở nơi công cộng: Người Nhật có xu hướng sử dụng điện thoại di động của họ một cách kín đáo. Họ giữ cuộc nói chuyện qua điện thoại ngắn gọn và im lặng nhất có thể khi ở nơi công cộng. Nếu bạn phải sử dụng điện thoại ở khu vực công cộng, hãy di chuyển đến một nơi yên tĩnh, ít người để nói chuyện vì người Nhật không thích bị làm phiền.

Tắm trước khi ngâm bồn: Hầu hết gia đình Nhật Bản đều trang bị bồn tắm để ngâm mình thư giãn. Trước khi ngâm mình trong bồn, bạn phải tắm sạch sẽ bằng vòi sen ở ngoài. Ngoài ra, tắm nước nóng hay tắm onsen ở Nhật cũng có quy tắc riêng, bạn không được mặc đồ tắm, tóc phải búi cao, quấn khăn, không để khăn chạm nước và không được bơi trong bồn. Tại các nhà tắm công cộng, nếu bạn xăm mình có thể sẽ không được phép vào.

Không trộn nước tương với cơm: Tại xứ Phù Tang, nước tương thường được đặt riêng trong bát nhỏ và không trộn cùng cơm hay các món ăn khác. Nước tương có thể được trộn cùng mù tạt hoặc gừng hồng, dùng làm gia vị chấm các món ăn.

Lưu ý về cách dùng đũa: Người Nhật có những quy tắc khắt khe khi sử dụng đũa trong bữa ăn mà bạn cần lưu ý. Cắm đũa dọc bát cơm được coi là biểu tượng cho tang lễ, đây là điều cấm kỵ trong bữa ăn. Ngoài ra, bạn nên sử dụng giá đỡ đũa, tránh việc dùng đũa của mình gắp thức ăn cho người khác, việc cọ xát đũa được coi là hành động thô lỗ.

Không để lại tiền tip: Tại các nước phương Tây, để lại tiền tip là hành động lịch sự còn ở Nhật thì ngược lại. Thậm chí những người phục vụ ở nước này còn coi đó là sự xúc phạm. Mọi dịch vụ đều được tính trong hóa đơn của bạn. Vì vậy, nếu bạn để lại tiền thừa, nhân viên nhà hàng sẽ chạy theo trả lại.

Không xì mũi nơi công cộng: Người dân xứ Mặt Trời mọc cho rằng việc xì mũi nơi công cộng là hành động thiếu lịch sự và ngốc nghếch. Nếu bạn muốn xì mũi hay khạc nhổ có thể đến các nhà vệ sinh công cộng. Vào mùa đông, bạn sẽ thấy nhiều người đeo khẩu trang khi đi đường phố, đó là những người bị cảm cúm và họ đeo khẩu trang để tránh lây bệnh cho mọi người xung quanh. 

Văn hóa xếp hàng: Xếp hàng được xem là nét văn hóa đẹp của Nhật Bản. Tại các thành phố lớn, đông đúc ở xứ Phù Tang không hề có cảnh tượng nháo nhác, chen chúc, thay vào đó là hàng dài người kiên nhẫn xếp hàng chờ lên tàu, mua đồ, vào thang máy…

Không ăn khi đang di chuyển: Tại một số nước phương Tây, việc vừa đi đường vừa uống cà phê hay cắn miếng hamburger là hình ảnh quen thuộc. Tuy nhiên, việc vừa ăn vừa đi đường là hành động kém lịch sự khi bạn ở Nhật. Người Nhật có thói quen dùng đồ ăn ngay tại địa điểm mua hàng.

Nhận đồ bằng 2 tay: Người Nhật rất coi trọng lễ nghi. Việc nhận đồ bằng cả 2 tay thể hiện sự lịch sự, tôn trọng người đối diện trong giao tiếp. Bất kỳ ai đưa đồ vật cho bạn, dù là món đồ nhỏ nhất như hóa đơn hay danh thiếp, đừng quên nhận lại bằng 2 tay và bày tỏ sự cảm ơn.

Cởi dép khi vào nhà: Khi ghé thăm nhà một người Nhật, trước khi bước vào trong, bạn phải cởi bỏ giày, dép. Người bản địa cho rằng mang giày, dép đi đường vào trong nhà là đem theo sự ô uế, tạp nham. Tại các đền, chùa, bệnh viện, trường học, khách sạn… bạn cũng sẽ thấy tấm biển yêu cầu cởi bỏ giày dép khi vào trong.

Nguồn: Zing New

Th110

Bến Tre: Đến làng kiểng Cái Mơn thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, bạn sẽ bắt gặp khung cảnh nhiều loài hoa khoe sắc rực rỡ. Càng gần Tết, hoa sẽ không còn nhiều vì trước đó người dân đã tất bật thu hoạch và xuất hàng hóa đi các vùng. Dù vậy, những ngày cuối năm là khoảng thời gian nhộn nhịp nhất mà bạn không nên để lỡ nếu có dịp đến đây.

Nếu đi theo nhóm bạn hoặc gia đình từ Sài Gòn, bạn có thể đặt những chương trình tour đi trong ngày ở Bến Tre hoặc tổ chức chuyến đi chơi tại các khu du lịch, nơi có nhiều trò chơi hấp dẫn như đạp xe đạp trên nước, đu dây, đi thuyền trên sông, câu cá… Du khách đừng quên thử các loại cây ăn trái đặc sản như bưởi da xanh, mận An Phước, xoài cát Hòa Lộc, dừa xiêm xanh, dừa dứa… và thưởng thức các món ăn dân dã vào bữa trưa.

Cần Thơ: Cần Thơ là một trong những điểm đến hấp dẫn bậc nhất ở miền đất phương Nam. Dù cho tốc độ kinh tế phát triển nhanh, Tây Đô vẫn giữ lại được những nét văn hóa đặc trưng của miền sông nước. Nếu lần đầu đến đây, bạn nhất định không thể bỏ qua hoạt động khám phá chợ nổi vào sáng sớm. Khung cảnh sinh hoạt của người dân cùng nhiều món ăn sáng bình dị sẽ làm bạn thích thú. Bạn cũng nên tới những ngôi nhà cổ mang đậm nét kiến trúc Nam Bộ hiện vẫn còn đón khách du lịch.

Chuyến hành hương đầu xuân không thể thiếu điểm đến là các ngôi chùa. Tại trung tâm thành phố Cần Thơ, chùa Ông được người Hoa gốc Quảng Đông xây dựng từ hơn 120 năm trước, nay là điểm dừng chân của nhiều người. Du khách cũng có thể ghé thăm Thiền viện Trúc Lâm ở ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền. Công trình mang lối kiến trúc nhà Lý – Trần. Ngoài trái cây, hải sản, Cần Thơ còn có một số đặc sản bạn nên thử như bánh tét lá cẩm, nem nướng Cái Răng, bánh tằm bì, bánh hỏi Phong Điền, lẩu bần Phù Sa, bánh cống Cần Thơ.

Đồng Tháp: Đồng Tháp là một tỉnh miền Tây Nam Bộ được nhiều người biết tới qua câu thơ “Tháp Mười đẹp nhất bông sen”. Nếu từ Sài Gòn, bạn có thể dành 2 ngày để khám phá. Nhưng từ các tỉnh khác, bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để đi hết những địa điểm đẹp và món ăn ngon ở xứ này. Từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau là thời điểm miền đất có nắng ráo, thích hợp cho các hoạt động ngoài trời. Phương tiện di chuyển ở Đồng Tháp khá thuận lợi với các loại như taxi, xe máy, xe ôm, thuyền phà. Bạn có thể thuê xe máy ở thành phố Cao Lãnh và Sa Đéc với mức giá từ 100.000 đến 200.000 đồng một ngày.

Tại TP Sa Đéc có các địa điểm nên tới như làng hoa Tân Quy Đông, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, chùa Kiến An Cung. Thời gian tham quan cả 3 địa điểm chỉ tốn khoảng 2-3 giờ. Du khách có thể dành thời gian để tham quan các di tích lịch sử hoặc đi dạo chụp ảnh “sống ảo” tại nhiều không gian đặc sắc như chợ Cao Lãnh, Văn Thánh Miếu.

An Giang: Đứng thứ 4 về diện tích và có dân số đông nhất miền Tây Nam Bộ nên An Giang chứa trong lòng nhiều cảnh quan du lịch từ thiên nhiên đến công trình kiến trúc độc đáo. Đến xứ thốt nốt, du khách chắc chắn sẽ không thể bỏ lỡ rừng tràm Trà Sư hoặc chợ nổi Long Xuyên. Ngoài ra, hồ Thoại Sơn, núi Thất Sơn, cánh đồng Tà Pạ, hồ Búng Bình Thiên hay các chợ mắm cũng là điểm dừng chân bạn có thể cho vào lịch trình của mình.

Nếu muốn đi lễ dịp đầu năm mới, du khách có thể tìm đến chùa Tây An nằm ở chân núi Sam (xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc). Công trình được xây dựng vào năm 1847, mang dáng dấp kiến trúc Ấn Độ. Chùa nằm trong khu vực núi Sam, có nhiều công trình tôn giáo nằm liền kề nên du khách có thể kết hợp thăm viếng một lúc nhiều chùa.

Bạc Liêu: Về thăm xứ sở công tử Bạc Liêu, bạn sẽ được dịp thăm lại những nơi từng là bối cảnh cho những câu chuyện về công tử xứ này. Nhà của nhân vật trên tọa lạc tại số 13 Điện Biên Phủ, phường 3, thành phố Bạc Liêu là điểm dừng chân nhất định bạn phải ghé. Ngoài ra, Bạc Liêu cũng là nơi cánh đồng điện gió đầu tiên của Đông Nam Á được xây dựng trên thềm lục địa với 62 trụ turbine bên bờ biển, nơi bạn sẽ có nhiều bức hình “sống ảo” đẹp mắt. 

Chùa Xiêm Cán được xây dựng cách đây hơn 100 năm, có các chi tiết chạm trổ lạ mắt như hình rắn, thiếu nữ nhảy múa cũng là điểm tham quan nên ghé dịp đầu xuân. Ngoài ra, xứ này còn có nhiều nơi hấp dẫn như Đồng hồ Thái Dương, khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, vườn chim, vườn nhãn Bạc Liêu… Bánh xèo Giồng Nhãn giòn rụm cũng là món ăn bạn nên thưởng thức khi ghé vườn nhãn.

Nguồn: Vnexpress