ẨM THỰC

Th1010

Một đặc sản của miền Tây không thể không nhắc tới là bông điên điển. Chỉ là thứ cây dại nhưng từ xa xưa, người ta đã nghĩ ra các món ăn từ bông điên điển cực ngon, cực bổ.

Những món ăn từ bông điên điển đã góp phần làm nên sự đặc sắc của ẩm thực miền Tây sông nước:

1. Canh chua bông điên điển. Nguyên liệu: Cá bông lau, bông điên điển, cà chua, me xanh, rau thơm, nước mắm, tỏi, hạt nêm, đường, muối. Cá rửa sạch, thái lát dày 3 cm. Để ráo nước, ướp cùng muối. Lấy phần bông điên điển rửa sạch, để ráo nước. Rau ngổ và ngò gai thái nhỏ.

Cho cá vào chiên qua, sau đó cho nước vào, nêm gia vị vừa ăn đun sôi cho tới khi cá chín. Cho bông điên điển cùng các loại rau thơm, tỏi phi thơm và ớt vào, đun sôi lên, nêm gia vị rồi tắt bếp.

2. Gỏi bông điên điển. Đây là một món ăn hết sức đặc sắc, có sức gây thương nhớ cho bất kỳ ai thưởng thức món ăn này. Cái giòn của bông điên điển, vị ngọt của thịt heo và những con tôm, thêm các loại rau thơm là ta đã có một món ăn đặc sản của người miền Tây.

Người ta thường trộn bông điên điển với giấm đường hoặc nước me cùng với các loại rau củ khác như cà chua, dưa leo, rau thơm… Nhấn nhá thêm vị ngọt cho đĩa gỏi có thể là tép ram, tôm luộc, giò chả hoặc thịt ba chỉ vừa nạc vừa mỡ.

Dĩa gỏi ngon là phải cân bằng trong độ chua ngọt hài hòa và giữ được cái giòn bùi đặc trưng của điên điển.

3. Bông điên điển xào thịt bò. Nguyên liệu: Thịt bò, bông điên điển, hành, tỏi, nước mắm, dầu ăn, gia vị. Thịt bò, chọn thịt đùi tươi, đem về rửa sạch, để ráo rồi thái mỏng, ướp tiêu hành, tỏi, nước mắm cho thấm đều.

Bông điên điển xào riêng, chỉ cần xào sơ qua rồi đổ ra đĩa. Tiếp tục bắc chảo lên xào thịt tới khi vừa đủ săn mới cho bông điên điển vào xào tiếp, đảo đều, nêm nếm cho vừa ăn trước khi nhắc xuống bếp.

4. Bánh xèo bông điên điển. Nguyên liệu: Bông điên điển, bột gạo, nước cốt dừa, nước lạnh, muối, bột nghệ, hành lá, tép, giá, củ sắn, rau sống ăn kèm, gia vị.

Thái củ sắn nhỏ thành miếng dài, mỏng. Pha hỗn hợp bột gạo, bột nghệ, nước cốt dừa, nước lạnh, hành lá với nhau rồi để khoảng 10 – 15 phút cho bột nở ra. Sau đó bắt chảo dầu lên cho dầu nóng, trộn đều rồi đổ bột vào chảo tráng mỏng. Cho giá, củ sắn, bông điên điển, tép sông vào, rồi đậy nắp lại. Thỉnh thoảng mở nắp kiểm tra bánh đã chín chưa.
Bánh chín thì gấp làm đôi lại rồi lấy ra dùng kèm với nước mắm chua ngọt và rau sống. Vị chua chua, ngọt ngọt, bùi bùi của bông điên điển hòa quyện cùng vị đặc trưng của tôm sông, hương thơm từ rau sống, giá, củ sắn cùng với nước mắm chua ngọt tạo hương vị ngon khó quên.

Nguồn: kienthuc.net.vn

Th1002

Chỉ là những nguyên liệu từ thiên nhiên quen thuộc nhưng dù xuất hiện trên bàn nhậu bình dân hay bàn tiệc sang trọng, gỏi củ hũ dừa vẫn vô cùng độc đáo.

Ai đã, đang và sắp đặt chân đến những tỉnh nổi tiếng với cây dừa như: Bến Tre, Tiền Giang, Long An… đừng bỏ qua món gỏi củ hũ dừa, một món ăn đặc sắc mang hương vị sông nước miền Tây. 

Củ hũ dừa là phần trên của cây dừa, phần trắng nõn nằm sâu trong thân, bao gồm chồi non chưa nhú ra bên ngoài và cuống lá. Vì vậy, để làm món gỏi này, người ta phải chặt cả cây dừa lâu năm, nên nếu muốn ăn, thực khách thường phải đặt trước. Củ hũ dừa được chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon như xào với thơm (dứa), ngâm xổi, canh nấu thịt nhưng làm gỏi là món ăn được nhiều người ưa thích hơn cả bởi thanh đạm, ít béo và giữ được nguyên vị giòn ngọt của củ hũ dừa.

Thực hiện món ăn này cũng khá kỳ công. Sau khi làm sạch, đem củ hũ dừa cùng với cà rốt, hành tây xắt thành từng đoạn bút chì nhỏ. Ớt sừng bỏ hạt, thái sợi. Tất cả những nguyên liệu này bỏ vào ngăn mát tủ lạnh hoặc ướp đá để giữ được độ giòn và không bị thâm. Tôm sú hoặc tôm đất hấp chín, bóc nõn, xẻ đôi dọc thân tôm. Thịt ba chỉ luộc chín, xắt thành từng miếng nhỏ.Các nguyên liệu trên được trộn cùng nhau, rồi rưới nước trộn gỏi pha chua ngọt với tỏi ớt xắt nhỏ, đảo nhẹ cho thấm. Dọn gỏi củ hũ dừa ra đĩa, rắc thêm một ít rau răm thái rối và đậu phộng (lạc) rang giã dập lên trên. Bày cùng phồng tôm chiên giòn, ăn kèm cho thêm phần hương vị.

Lúc này, chỉ cần nhìn đĩa gỏi củ hũ dừa thôi đã vô cùng hấp dẫn với đủ màu sắc bắt mắt. Xen lẫn trong những lát củ hũ dừa trắng nõn là những lát cà rốt màu cam sậm, sợt ớt sừng đỏ tươi, những lát tôm đỏ hồng, sợi thịt heo trắng ngà và rau răm xanh ngắt. Thưởng thức một miếng gỏi kèm phồng tôm, mọi hương vị chua, cay, mặn, ngọt hòa quyện, ngon đến mức “gây thương nhớ”: Củ hũ, cà rốt giòn sật, tôm, thịt ngọt thỉu, thêm chút cay của ớt, chút the the của hành tây, rau răm, chút giòn ngậy của đậu phộng, phồng tôm và cả chút chua dịu của chanh.

Để thưởng thức món gỏi củ hũ dừa giòn ngọt này, du khách có thể đến các nhà hàng hoặc đi theo tour Mekong đến miệt vườn Bến Tre.

 Kỳ Nam / baogiaothong.vn

Th512

Món dạ dày om nước dừa có vị giòn giòn, ngọt thơm của nước dừa, đậm đà của gia vị khiến món ăn trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết, nhất là được thưởng thức món ăn này vào những ngày se lạnh. Cùng chúng tôi vào bếp và khám phá ngay công thức làm món ăn vô cùng hấp dẫn này nhé!

Nguyên liệu:

Ảnh minh họa

– 1 cái dạ dày heo

– 1 nhánh sả đập dập; 1 muỗng cà phê muối; 1 muỗng canh nước cốt chanh; 400 ml mước dừa tươi; 1 muỗng cà phê ngũ vị hương; 1 muỗng canh xì dầu; 2 muỗng cà phê nước mắm; 1 muỗng canh đường; 1 muỗng canh dầu hào; 1 muỗng cà phê tiêu; 2 tép tỏi thái lát; 1 củ hành tím băm nhỏ; 2 phần gốc hành lá băm nhỏ; 1 miếng gừng thái lát.

 

Các bước thực hiện:

 

Bước 1: Dạ dày cạo rửa sạch chất nhờn phía trong. Nấu một nồi nước cùng với muối, gừng và sả. Khi nước sôi 5 phút thì cho dạ dày vào luộc 5-6 phút là được. Vớt dạ dày ra, xả qua nước lạnh.

Bước 2: Ướp tất cả các gia vị còn lại vào dạ dày, trộn đều để 20-30 phút.

Ảnh minh họa

Bước 3: Bắc chảo lên bếp, cho vào 1 muỗng canh dầu, chờ dầu nóng cho tỏi vào phi thơm.

Ảnh minh họa

Tiếp theo cho dạ dày và nước ướp vào rim nhỏ lửa 3-4 phút.

Ảnh minh họa

Cuối cùng cho hết nước cốt dừa vào om cho đến khi nước dừa sánh dạ dày có màu nâu sậm, nêm nếm, lại cho vừa ăn trước khi tắt bếp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trình bày: Dạ dày om nước dừa đem cắt miếng vừa ăn xếp ra dĩa, trang trí dưa leo, xà lách và ớt thái lát. Món này dùng nóng với cơm hay làm món nhậu đều rất ngon.

Nguồn: Sưu tầm

Th511

Nếu bạn đang chán ngán với các món ăn chiên, xào hấp,… thì món chân giò heo xông khói cực kì thơm ngon, dai, giòn sẽ là lựa chọn lý tưởng dành cho bạn.

 

1. Nguyên liệu: 

  • Thịt chân giò rút xương
  • Gạo (1 chén nhỏ)
  • Xì dầu (2 thìa)
  • Chè khô
  • Đỗ xanh
  • Gia vị: muối hạt (2 thìa), đường, tiêu, mắm, ngũ vị hương, bột canh, dầu mè…
Ảnh minh họa

2. Cách chế biến chân giò:

* Cách 1: 

  • Bước 1: Bạn đem chân giò đi sơ chế sạch, để ráo rồi buộc dạng hình trụ
  • Bước 2: Cho đường, muối, xì dầu và tiêu đen vào nấu sôi với 800ml nước. 
  • Bước 3: Cho chân giò vào lọ thủy tinh rồi đổ hỗn hợp đã đun sôi lên rồi bảo quản trong tủ lạnh từ 2 đến 5 ngày. 
Ảnh minh họa

* Cách 2: 

  • Bước 1: Sau khi chân giò đã được sơ chế, bạn cho vào lọ thủy tinh rồi ướp với đường, dầu mè, ngũ vị hương, bột canh và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh nửa ngày. 
  • Bước 2: Chân giò đã thấm vị bạn vớt ra rồi buộc dạng hình trụ và hấp cách thủy khoảng 1 tiếng để thịt chín. 
  • Bước 3: Cuối cùng bạn cho vào ngăn mát tủ lạnh trong 20 phút. 

3. Giai đoạn hun khói: 

  • Bước 1: Bạn lót 1 lớp giấy bạc lên chảo nóng rồi cho các nguyên liệu: gạo, chè khô, đỗ xanh và đường lên rồi đảo đều. 
  • Bước 2: Bạn đặt giò lên trên những nguyên liệu tầm 45 – 50 phút. Một lưu ý nhỏ để thịt vẫn giữ mùi khói tự nhiên và không gây khó chịu khi ăn bạn hãy dùng than hoa, củi thông ẩm, gỗ. 
Ảnh minh họa

Thưởng thức chân giò heo xông khói: 

Một gợi ý nho nhỏ là bạn có thể kết hợp cùng bánh tráng cuốn chấm nước mắm chua ngọt ăn rất ngon. Để tăng thêm hương vị cho món ăn bạn hãy dùng rau cải cay cuốn thịt  và chấm muối tiêu chanh nhé!

 

Nguồn: Yan

Th503

Là sự kết hợp của 2 nền ẩm thực Á Âu, đùi gà om nước dừa nhất định sẽ làm bạn hài lòng ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Nguyên liệu chuẩn bị:

  • Đùi gà
  • Nước dừa xiêm
  • Mật ong
  • Rượu trắng
  • Nước tương + muối + hạt nêm + tiêu + dầu ăn + giấm
  • Tỏi băm + hành khô băm nhỏ
Ảnh minh họa

Các bước chế biến:

 

Bước 1:

Chọn đùi gà to, dùng 1 ít muối cùng với giấm, bóp kỹ đùi gà, sau đó rửa lại thật sạch rồi để cho ráo nước.

Dùng dao khứa đùi gà vài đường chéo để cho đùi được mau thấm gia vị hơn.

 

Ảnh minh họa

Bước 2:

Cho đùi gà vào 1 dụng cụ chứa, tiếp theo đó lần lượt cho thêm muối, nước tương, hạt nêm, tỏi băm, và rượu trắng, mỗi thứ với một lượng vừa phải.

Sốc đều và để khoảng 30 phút cho gia vị ngấm đều, nếu có thời gian thì ướp lâu hơn sẽ càng ngon hơn.

 

Ảnh minh họa

Bước 3:

Bắc chảo lên bếp cho nóng rồi đổ dầu ăn vào đến khi sôi.

Lần lượt để phần đùi gà vào chiên sơ qua lại cho mặt ngoài ướm vàng.

 

Ảnh minh họa

Bước 4:

Cho nước dừa tươi vào chảo đến ngập phần thịt gà, thêm 1 chút mật ong, khuấy đều lên rồi đậy vung, bật lửa nhỏ và đợi trong giây lát.

Đến khi nước sốt bắt đầu sền sệt lại, nêm nếm cho vừa ăn rồi tắt bếp.

 

Ảnh minh họa

Như vậy là ta có ngay một món ăn ngon như ý rồi. Chỉ nghe đến tên thôi là ta cảm nhận được vị thơm ngon, mềm mại của đùi gà, vị thanh ngọt cửa nước dừa cộng với mật ong và những thứ gia vị khác. Thêm vào đó, chỉ với vài bước đơn giản là ta đã có ngay 1 món ngon trên cả sự tuyệt với. Còn chừng chờ gì nữa mà không bắt tay ngay nấu cho gia đình một món ăn đặc biệt này.

 

Nguồn: Yan