Author: kdhamluong

Th1015

Ngày 15/10/2018, Đảng ủy khối Doanh nghiệp Tỉnh Bến Tre phối hợp cùng Ủy ban Kiểm tra tổ chức chương trình Họp mặt “Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành kiểm tra Đảng” (16/10/1948 – 16/10/2018) tại hội trường Khách sạn Hàm Luông.

Album ảnh:

Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành kiểm tra Đảng

Th1010

Một đặc sản của miền Tây không thể không nhắc tới là bông điên điển. Chỉ là thứ cây dại nhưng từ xa xưa, người ta đã nghĩ ra các món ăn từ bông điên điển cực ngon, cực bổ.

Những món ăn từ bông điên điển đã góp phần làm nên sự đặc sắc của ẩm thực miền Tây sông nước:

1. Canh chua bông điên điển. Nguyên liệu: Cá bông lau, bông điên điển, cà chua, me xanh, rau thơm, nước mắm, tỏi, hạt nêm, đường, muối. Cá rửa sạch, thái lát dày 3 cm. Để ráo nước, ướp cùng muối. Lấy phần bông điên điển rửa sạch, để ráo nước. Rau ngổ và ngò gai thái nhỏ.

Cho cá vào chiên qua, sau đó cho nước vào, nêm gia vị vừa ăn đun sôi cho tới khi cá chín. Cho bông điên điển cùng các loại rau thơm, tỏi phi thơm và ớt vào, đun sôi lên, nêm gia vị rồi tắt bếp.

2. Gỏi bông điên điển. Đây là một món ăn hết sức đặc sắc, có sức gây thương nhớ cho bất kỳ ai thưởng thức món ăn này. Cái giòn của bông điên điển, vị ngọt của thịt heo và những con tôm, thêm các loại rau thơm là ta đã có một món ăn đặc sản của người miền Tây.

Người ta thường trộn bông điên điển với giấm đường hoặc nước me cùng với các loại rau củ khác như cà chua, dưa leo, rau thơm… Nhấn nhá thêm vị ngọt cho đĩa gỏi có thể là tép ram, tôm luộc, giò chả hoặc thịt ba chỉ vừa nạc vừa mỡ.

Dĩa gỏi ngon là phải cân bằng trong độ chua ngọt hài hòa và giữ được cái giòn bùi đặc trưng của điên điển.

3. Bông điên điển xào thịt bò. Nguyên liệu: Thịt bò, bông điên điển, hành, tỏi, nước mắm, dầu ăn, gia vị. Thịt bò, chọn thịt đùi tươi, đem về rửa sạch, để ráo rồi thái mỏng, ướp tiêu hành, tỏi, nước mắm cho thấm đều.

Bông điên điển xào riêng, chỉ cần xào sơ qua rồi đổ ra đĩa. Tiếp tục bắc chảo lên xào thịt tới khi vừa đủ săn mới cho bông điên điển vào xào tiếp, đảo đều, nêm nếm cho vừa ăn trước khi nhắc xuống bếp.

4. Bánh xèo bông điên điển. Nguyên liệu: Bông điên điển, bột gạo, nước cốt dừa, nước lạnh, muối, bột nghệ, hành lá, tép, giá, củ sắn, rau sống ăn kèm, gia vị.

Thái củ sắn nhỏ thành miếng dài, mỏng. Pha hỗn hợp bột gạo, bột nghệ, nước cốt dừa, nước lạnh, hành lá với nhau rồi để khoảng 10 – 15 phút cho bột nở ra. Sau đó bắt chảo dầu lên cho dầu nóng, trộn đều rồi đổ bột vào chảo tráng mỏng. Cho giá, củ sắn, bông điên điển, tép sông vào, rồi đậy nắp lại. Thỉnh thoảng mở nắp kiểm tra bánh đã chín chưa.
Bánh chín thì gấp làm đôi lại rồi lấy ra dùng kèm với nước mắm chua ngọt và rau sống. Vị chua chua, ngọt ngọt, bùi bùi của bông điên điển hòa quyện cùng vị đặc trưng của tôm sông, hương thơm từ rau sống, giá, củ sắn cùng với nước mắm chua ngọt tạo hương vị ngon khó quên.

Nguồn: kienthuc.net.vn

Th1008

Hoàng Su Phì – Hà Giang: Từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10, những thửa ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì, Hà Giang bắt đầu chuyển màu, nhuộm vàng cả một vùng đồi núi rộng lớn. Những thửa ruộng nơi đây được xem là đẹp bậc nhất Việt Nam. Có hai hướng đến Hoàng Su Phì là chạy quốc lộ 2 qua Tuyên Quang đến Hà Giang hoặc đi từ Bắc Hà (Lào Cai) qua Xín Mần. Bạn có thể chọn đi xe buýt từ bến Mỹ Đình (Hà Nội) hoặc tự lái xe máy, khoảng cách 300 km.

Du khách đến Hoàng Su Phì có thể ghé các xã Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty và Thông Nguyên – nơi có những thửa ruộng đẹp nhất. Dự kiến, mùa lúa chín đến khoảng 20/10. Khách đến đây ngoài ngắm cảnh còn có thể trải nghiệm cuộc sống của người dân trong bản, thử các món ngon.

Pù Luông – Thanh Hoá: Những năm gần đây, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông cách thành phố Thanh Hoá khoảng 130 km về phía tây bắc, thuộc hai huyện Quan Hoá và Bá Thước, được cộng đồng yêu du lịch tìm đến. Vào vụ lúa tháng 10, nơi đây khoác lên mình tấm thảm vàng đẹp mắt, thu hút nhiều du khách và nhiếp ảnh gia lên đường khám phá. Đến đây, bạn có thể nghỉ chân trong bản cộng đồng làm du lịch để trải nghiệm cuộc sống người địa phương. Bạn cũng đừng quên thử các món ngon, chụp ảnh check-in cùng cảnh vật.

Điểm dừng chân này thích hợp cho chuyến đi cuối tuần nếu khởi hành từ thủ đô. Nếu chạy ôtô tuyến Hà Nội – Thanh Hóa qua huyện Cẩm Thủy, nơi có suối cá thần nổi tiếng, du khách đi hết 4 giờ. Còn chọn đường qua Mai Châu, Hòa Bình, thời gian di chuyển chỉ khoảng 3 giờ. Hiện du khách cũng có thể đi ôtô thẳng từ Hà Nội hoặc Hòa Bình lên khu bảo tồn Pù Luông – Son Bá Mười. Còn các tuyến đường bản như Kho Mường, bản Hiêu, Phố Đòn… vẫn phải đi xe máy, bạn có thể hỏi thuê của người dân tại đây.

Chư Đăng Ya – Gia Lai: Chư Đăng Ya, theo tiếng của người J’rai có nghĩa là củ gừng dại. Đây là ngọn núi lửa đã không còn hoạt động từ hàng triệu năm. Hai năm trở lại đây, ngọn núi thuộc huyện Chư Pah, Gia Lai trở thành điểm đến mới lạ với du khách thích khám phá thiên nhiên. Tháng 10 là thời điểm núi được thay áo mới với những bông hoa dã quỳ vàng cam tươi tốt. Khởi hành từ thành phố Pleiku, du khách có thể thuê xe máy, chạy khoảng 30 km về hướng đông bắc sẽ tới xã Chư Đăng Ya. Bạn có thể hỏi thêm người địa phương về đường sá.

Ngoài điểm nhấn là sắc vàng cam của hoa dã quỳ vào độ cuối tháng 10, đầu tháng 11, nơi này còn mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm như xem người dân thu hoạch củ dong riềng, một trong những loại cây trồng chủ đạo ở giữa miệng núi lửa vì chịu được khô hạn hay bí đỏ, khoai lang. Ngoài ra, bạn còn được dịp rảo bước trên những thảm cỏ xanh mướt hệt như thảo nguyên.

Đà Lạt: Đà Lạt là điểm dừng chân du khách có thể ghé chân quanh năm vì mỗi mùa nơi đây lại đem lại những cảm xúc và trải nghiệm khác nhau. Tháng 10, những cơn mưa bắt đầu dứt, bạn có thể thức dậy thật sớm, chạy xe đến những ngọn đèo để ngắm bình minh, thu vào mắt khung cảnh những vạt mây lơ lửng trên cánh rừng thông tít tắp.

Đặc biệt, tháng 10 cũng là thời điểm mùa hồng giòn ở Đà Lạt bắt đầu vào vụ. Dư vị của mùa thu sẽ đọng lại nhiều hơn khi bạn có dịp tự tay bẻ trái hồng, thưởng thức vị ngọt ngào tự nhiên. Bạn có thể tới những khu vườn ở gần khu vực Dinh III Bảo Đại nằm trên đường Triệu Việt Vương hoặc chạy xe thêm khoảng 5 km theo hướng đông – nam tới đèo Mimosa, đây là những nơi có vườn hồng lớn. Dọc các con đường ngoài trung tâm thành phố cũng có một số nơi trồng hồng, bạn có thể xin phép hoặc hỏi thăm để trải nghiệm. 

Trà Sư – An Giang: Tháng 10 hàng năm, người yêu thích đi du lịch lại háo hức đi miền Tây bởi những trải nghiệm ở đây vào dịp này chỉ có một lần trong năm. Tuyến tham quan ở rừng tràm Trà Sư, An Giang là tuyến đặc trưng bởi đây là vùng đón nước lũ về nhiều nhất miền Tây. Du khách có thể dễ dàng đi Châu Đốc bằng xe máy hoặc ôtô, khoảng cách di chuyển là 250 km.

Đến đây, bạn nhất định phải thuê một chiếc xuồng ba lá đi sâu vào bên trong rừng. Thuyền rẽ nước đưa bạn lướt qua những vạt bèo xanh mướt mát. Người tò mò có thể đưa tay chạm vào chúng. Buổi sáng là thời điểm bèo xuất hiện nhiều. Kết thúc chuyến tham quan ở đây, du khách có thể tiếp tục hành trình khám phá Châu Đốc, thưởng thức món đặc sản như bún cá, bún num prohoc (bún num bò chóc) hay hủ tiếu Nam Vang.

Nguồn: VnExpress

Th1002

Chỉ là những nguyên liệu từ thiên nhiên quen thuộc nhưng dù xuất hiện trên bàn nhậu bình dân hay bàn tiệc sang trọng, gỏi củ hũ dừa vẫn vô cùng độc đáo.

Ai đã, đang và sắp đặt chân đến những tỉnh nổi tiếng với cây dừa như: Bến Tre, Tiền Giang, Long An… đừng bỏ qua món gỏi củ hũ dừa, một món ăn đặc sắc mang hương vị sông nước miền Tây. 

Củ hũ dừa là phần trên của cây dừa, phần trắng nõn nằm sâu trong thân, bao gồm chồi non chưa nhú ra bên ngoài và cuống lá. Vì vậy, để làm món gỏi này, người ta phải chặt cả cây dừa lâu năm, nên nếu muốn ăn, thực khách thường phải đặt trước. Củ hũ dừa được chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon như xào với thơm (dứa), ngâm xổi, canh nấu thịt nhưng làm gỏi là món ăn được nhiều người ưa thích hơn cả bởi thanh đạm, ít béo và giữ được nguyên vị giòn ngọt của củ hũ dừa.

Thực hiện món ăn này cũng khá kỳ công. Sau khi làm sạch, đem củ hũ dừa cùng với cà rốt, hành tây xắt thành từng đoạn bút chì nhỏ. Ớt sừng bỏ hạt, thái sợi. Tất cả những nguyên liệu này bỏ vào ngăn mát tủ lạnh hoặc ướp đá để giữ được độ giòn và không bị thâm. Tôm sú hoặc tôm đất hấp chín, bóc nõn, xẻ đôi dọc thân tôm. Thịt ba chỉ luộc chín, xắt thành từng miếng nhỏ.Các nguyên liệu trên được trộn cùng nhau, rồi rưới nước trộn gỏi pha chua ngọt với tỏi ớt xắt nhỏ, đảo nhẹ cho thấm. Dọn gỏi củ hũ dừa ra đĩa, rắc thêm một ít rau răm thái rối và đậu phộng (lạc) rang giã dập lên trên. Bày cùng phồng tôm chiên giòn, ăn kèm cho thêm phần hương vị.

Lúc này, chỉ cần nhìn đĩa gỏi củ hũ dừa thôi đã vô cùng hấp dẫn với đủ màu sắc bắt mắt. Xen lẫn trong những lát củ hũ dừa trắng nõn là những lát cà rốt màu cam sậm, sợt ớt sừng đỏ tươi, những lát tôm đỏ hồng, sợi thịt heo trắng ngà và rau răm xanh ngắt. Thưởng thức một miếng gỏi kèm phồng tôm, mọi hương vị chua, cay, mặn, ngọt hòa quyện, ngon đến mức “gây thương nhớ”: Củ hũ, cà rốt giòn sật, tôm, thịt ngọt thỉu, thêm chút cay của ớt, chút the the của hành tây, rau răm, chút giòn ngậy của đậu phộng, phồng tôm và cả chút chua dịu của chanh.

Để thưởng thức món gỏi củ hũ dừa giòn ngọt này, du khách có thể đến các nhà hàng hoặc đi theo tour Mekong đến miệt vườn Bến Tre.

 Kỳ Nam / baogiaothong.vn

Th925

Đến với Mũi Dinh, bạn không chỉ được tắm biển, leo ngọn hải đăng, vượt tiểu sa mạc cát, mà còn có cơ hội trải nghiệm đi xe địa hình trên cát, tham quan cánh đồng cừu thơ mộng.

Mũi Dinh nằm cách trung tâm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 30 km theo hướng nam. Trên đường đi, bạn sẽ được ngắm vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc của vùng đất không chỉ có nắng và gió. 

Những cánh đồng cừu thơ mộng như thảo nguyên xanh; những dãy núi cao trùng điệp nối đuôi nhau chạy dài tít tắp; đàn bò, dê thong dong nhởn nhơ đi lại trên đường. Xa xa làng chài Từ Thiện, Sơn Hải thấp thoáng dưới chân đồi, sa mạc cát mênh mông; các con đường uốn lượn đẹp mắt, tạo cho bạn cảm giác phấn khích. 

Đường cát sa mạc chừng 1 km, nóng bỏng dưới tiết trời nắng như đổ lửa để đến Mũi Dinh không làm chùn bước du khách, bởi trước mắt bạn luôn mở ra những đường chân trời xanh ngắt, bãi Tràng sạch đẹp, những hòn núi đá nhấp nhô đủ mọi hình dáng. Tiểu sa mạc là một trong những bối cảnh chính của bộ phim “Dấu chân du mục”. Bạn có thể dạo trên cát, trải nghiệm xe địa hình ở khu du lịch Tanyoli tùy thích. 

Bãi Tràng, nơi cho bạn cảm giác du dương, đắm mình trên biển tuyệt vời, cắm trại và ngắm bình minh thật đẹp. Một bên là rừng xanh thẳm, bên kia biển trời bao la, hải đăng cao vút soi đường cho hàng ngàn tàu cá đi lại được thuận lợi và dễ dàng hơn. 

Đến Mũi Dinh vào một buổi chiều, khi cái nắng đã dần vơi đi, hoàng hôn cũng bắt đầu loang loáng những vết hồng hào sau dãy núi, bạn chỉ cần chậm rãi bước trên con đường nhựa đã quá cũ đến tham quan ngọn hải đăng là cũng đủ thấy cuộc sống này tuyệt vời thế nào.

Đến đây, bạn không chỉ được ngắm nhìn vẻ đẹp nên thơ của Mũi Dinh mà còn có thể cùng bạn bè trải nghiệm cảm giác tuyệt vời như dựng lều cắm trại chẳng hạn. Lại còn được vùng vẫy trong làn nước mát lành trong veo thì có phải là quá tuyệt vời không nào? Chưa hết đâu nhé, một bữa tiệc ngoài trời với món thịt nướng ngon lành tại đây thì sao nhỉ?

Nếu có cơ hội đến với xứ “vùng nắng như rang, gió như phan” này thì đừng quên ăn chơi “thả ga” tại Mũi Dinh một lần nhé. Không chỉ được hòa mình trong cảnh sắc hoang sơ nhưng vô cùng quyến rũ nơi đây mà còn được tham gia nhiều hoạt động vui chơi nữa đấy. Còn đợi gì mà không rủ ngay lũ bạn thân hay “nửa kia” của mình tới Mũi Dinh mà trải nghiệm thôi nào. Không đi là phí cả đời đấy nhé các bạn trẻ!

Nguồn: We25.vn