Ẩm thực miền Tây luôn gắn liền với những món ăn dân dã nhưng độc đáo. Về miền Tây, du khách sẽ có dịp thưởng thức nhiều món ăn bình dị, đặc trưng của miền sông nước, nhất là 6 món ăn sau đây:
Lẩu cá kèo
Món lẩu miền Tây này nổi tiếng đến độ, ngày nay, ở rất nhiều các thành phố lớn đều có thể tìm được quán lẩu cá kèo. Vậy lẩu cá kèo có gì mà được ưa thích đến thế? Thực ra nếu đã nếm thử một lần món lẩu này, bạn sẽ có ngay câu trả lời thôi.
Lẩu cá kèo tất nhiên không thể thiếu được cá kèo và rau đắng – một loại rau rất phổ biến ở miền Tây. Món lẩu này hấp dẫn với vị chua dịu của lá giang, cái ngọt của cá kèo tươi và cái nhẫn đắng của rau đắng. Tất cả tạo nên một tổng thể ngon khó cưỡng. Thêm nữa, lẩu cá kèo cũng không bị béo, không dễ ngán như các loại lẩu thịt khác nên càng được ưa chuộng.
Lẩu mắm
Một món lẩu miền Tây khác cũng tiếng tăm không kém lẩu cá kèo là lẩu mắm. Điểm đặc biệt của lẩu mắm là được nấu từ các loại mắm đặc trưng của miền Tây như cá linh, cá sặc nên mùi hơi nặng. Một điểm nữa khiến nhiều người ấn tượng với món lẩu này là các loại rau vô cùng đa dạng.
Nếu ăn đúng lẩu mắm ở miền Tây, có khi khay rau lên tới 30 loại, từ phổ biến như rau muống, rau nhút, nấm cho đến những loại rau miền Tây như rau đắng, kèo nèo, bông điên điển. Không chỉ rau đa dạng mà đồ ăn đi kèm món lẩu này cũng phong phú với đủ thịt ba chỉ, cá, lươn…
So với lẩu cá kèo, lẩu mắm có phần kén người ăn hơn một chút vì mùi nồng đặc trưng, nhưng những người ăn được lại rất ghiền. Và muốn ăn lẩu mắm đúng vị, nhiều loại rau, không đâu hơn là một nồi lẩu mắm miền Tây.
Hủ tiếu
Dù là món ăn có nguồn gốc từ người Hoa, nhưng hủ tiểu ở miền Tây có nhiều nét khác biệt. Thậm chí một số loại hủ tiếu ở đây còn đặc biệt đến độ có thể vang danh như hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Sa Đéc. Hủ tiếu Mỹ Tho nổi tiếng nhờ nước lèo thơm ngọt, sợi hủ tiếu dai, đồ ăn kèm đa dạng với thịt bằm, gan, tôm. Ngoài phiên bản hủ tiếu nước, hủ tiếu Mỹ Tho còn có thêm hủ tiếu khô cũng rất ngon.
Bên cạnh đó là hủ tiếu Nam Vang ở Châu Đốc cũng rất nổi tiếng. Hủ tiếu Nam Vang “nguyên bản” phải có lòng và gan heo. Ngoài ra, tùy theo nhu cầu của thực khách mà có thể cho thêm cật, tim, và trứng cút.
Ngoài ra, hủ tiếu Mỹ Lồng ở Bến Tre cũng là một trong số những món ăn đặc sắc không thể bỏ qua khi đến miền Tây. Tô hủ tiếu với nào là bao tử, gan, thịt heo luộc, miếng nào miếng nấy xắt dầy cộm, cắn ngập răng, ngọt lịm. Trong tô lại còn có con mực nhỏ cỡ ba ngón tay nướng tỏa mùi thơm phức và miếng chả tép chiên vàng, giòn rụm khi cắn và nhai, sợi hủ tiếu mềm, ngọt béo. Nước lèo với vị ngọt thơm hòa với mùi củ hành và tỏi nướng thơm đặc trưng thật hấp dẫn mà không đâu có.
Bún cá
Là một trong những món ăn dân dã của miền Tây, bún cá mê hoặc thực khách ở những cọng bún thanh mảnh, nước lèo đậm đà, cái tươi ngon của cá lóc, của những con tôm đồng, cái giòn của heo quay cùng hương vị đặc trưng của các loại mắm.
Tại Sài Gòn có hàng loạt thương hiệu bún cá như bún cá Kiên Giang, bún cá Sóc Trăng, bún cá An Giang…. Điểm chung là chúng đều được nấu từ cá lóc và các loại mắm đặc trưng của vùng sông nước như mắm cá linh, cá sặc, mắm bò-hóc… Nhiều điểm chung song cách chế biến, cách gia giảm gia vị và nguyên liệu đi kèm.., khiến chúng có những đặc trưng riêng về hương và vị.
Bánh xèo miền Tây
Bánh xèo miền Tây thường được tráng trong chảo lớn và có nhân phong phú với thịt heo, tôm, mực, nấm rơm… Nước chấm đóng vai trò quan trọng với vị chua ngọt được làm từ nước mắm ngon, pha với chanh, ớt, tỏi, đường… Bánh thường ăn kèm với rau xà lách, cải bẹ canh, húng quế, húng thơm..
Bánh xèo mê hoặc thực khách với cảm giác đủ vị của miếng bánh xèo giòn tan, thơm lừng, rau sống tươi ngon, nước mắm chua, cay, mặn nhẹ. Ăn đến no chứ không ngán.
Bánh bò
Ngoài các món mặn, các món bánh miền Tây cũng là điểm sáng của ẩm thực lục tỉnh. Trong đó được biết đến nhiều nhất, đặc trưng nhất phải kể đến bánh bò. Nguyên liệu để làm món này khá đơn giản, gồm bột gạo, đường, dừa và men. Bánh bò có vị ngọt vừa phải, mềm dai, thường ăn kèm với nước cốt dừa, muối mè.
Cùng là bánh bò nhưng ở mỗi vùng lại có cách chế biến riêng và được gắn với những tên gọi khác nhau như bánh bò thốt nốt, bánh bò bông xốp. Những miếng bánh ngọt dịu, thơm phức, dai dai, màu sắc thực sự đã trở thành tuổi thơ của biết bao người miền Tây và là món quà hấp dẫn với người dân nhiều nơi.
Nguồn: Sưu tầm